Hàng giả là gì? Các loại phổ biến và cách nhận biết phòng tránh

Hàng giả đã và đang gây ra thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, hãy cùng Vina CHG tìm hiểu về khái niệm, tác hại, những quy định xử phạt, các loại hàng giả phổ biến và cách nhận biết để tránh mua phải hàng giả bạn nhé!

1. Hàng giả là gì?

Sự khác biệt giữa hàng thật và hàng giả
Hàng giả xuất hiện nhiều trong cuộc sống hiện nay

Hàng giả là các sản phẩm được làm giả sao cho giống với hàng thật từ kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, chất lượng, nhằm mục đích đánh lừa người tiêu dùng tin rằng đó là hàng thật. Hàng giả thường sẽ có mức giá và chất lượng thấp hơn hàng thật. Quan trọng hơn, việc sản xuất, buôn bán hàng giả là trái với pháp luật.

Để rõ ràng hơn, theo nguyên văn quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng giả sẽ gồm có:

  • Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
  • Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
  • Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
  • Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
  • Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

2. Tác hại của hàng giả đối với người dùng và doanh nghiệp

Đồng hồ giả
Các sản phẩm hàng giả được bày bán công khai gây ra những hậu quả khôn lường

Hàng giả gây ra những tác hại như sau:

Đối với nền kinh tế

Hàng giả làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, gây ra sự suy thoái về mặt đạo đức trong xã hội và cũng tác động đến việc thu hút vốn đầu tư ở trong nước lẫn nước ngoài. Chính vì vậy, việc sản xuất buôn bán hàng giả sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Đối với người tiêu dùng

Dù vô tình hoặc cố ý mua phải hàng giả thì tác hại là khôn lường, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của cá nhân, gia đình. Bên cạnh đó, việc sử dụng hàng giả tiềm ẩn các nguy cơ liên quan đến sức khỏe của những cá nhân sử dụng, đặc biệt ở các mặt hàng như: thuốc, mỹ phẩm, gas, thực phẩm,…

Đối với doanh nghiệp

Việc một doanh nghiệp có sản phẩm bị giả mạo sẽ làm giảm trực tiếp doanh thu, gây mất uy tín trong mắt khách hàng và nghiêm trọng hơn là có thể liên quan đến các vấn đề pháp lý nếu không có các biện pháp xử lý ngay từ ban đầu. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp nên đầu tư về mặt bao bì nhãn mác, đặc biệt cần có tem chống hàng giả để đảm bảo tính pháp lý khi có vấn đề xảy ra.

3. Quy định pháp luật về xử phạt đối với các vấn đề hàng giả

Xử phạt hàng giả
Tìm hiểu chi tiết về mức xử phạt dành cho hành vi buôn bán và sản xuất hàng giả

Căn cứ dựa vào hành vi mà sẽ có 2 trường hợp xử phạt sau:

3.1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả

Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:

Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trông thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;
  • Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Hình thức xử phạt bổ sung:

  • Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 4 Điều này;
  • Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản này;
  • Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;
  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Một điều bạn cần hiểu rõ, mức hình phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ chịu mức phạt gấp hai lần.

3.2. Đối với hành vi sản xuất hàng giả

Mức xử phạt đối với hành vi sản xuất hàng giả được quy định tại Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CPđiểm a,b khoản 8 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP như sau:

Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:

  • Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;
  • Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Hình thức xử phạt bổ sung:

  • Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
  • Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
  • Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Tương tự hành vi buôn bán, mức hình phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ chịu mức phạt gấp hai lần.

4. Các loại hàng giả phổ biến trên thị trường

Để có thể phân loại hàng giả, Vina CHG sẽ chia theo ngành hàng sau:

4.1. Mỹ phẩm và nước hoa

Mỹ phầm, nước hoa luôn đứng đầu danh sách những sản phẩm bị làm giả nhiều nhất qua các năm, với dung lượng thị trường lớn đi kèm với mức lợi nhuận cao đã khiến cho các đối tượng làm hàng giả trong ngành mỹ phẩm ngày càng mọc lên như nấm, gây hỗn loạn thị trường.

Mỹ phẩm và nước hoa giả
Mỹ phẩm và nước hoa luôn nằm trong danh sách những sản phẩm bị làm giả nhiều nhất

Để bảo vệ sản phẩm của mình trước vấn nạn hàng giả, các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm, nước hoa đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó phải kể đến việc sử dụng tem chống hàng giả mỹ phẩm như một biện pháp mạnh để bảo vệ thương hiệu của mình.

Dưới góc độ người dùng, cần có sự tỉnh táo, bên cạnh đó cần sử dụng nhiều biện pháp kiểm tra trước khi quyết định lựa chọn mua một sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa bất kỳ.

4.2. Thực phẩm chức năng

Hiện nay trên thị trường có hàng ngàn nhãn hiệu, chủng loại thực phẩm chức năng khác nhau, các đối tượng xấu lợi dụng niềm tin về công dụng của người dùng, sau đó sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm giả mạo nhằm trục lợi.

Thực phẩm chức năng giả
Ngành hàng thực phẩm chức năng

Về phía doanh nghiệp, việc có mặt các sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo đã trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận, bên cạnh đó còn tác động đến sự uy tín của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng việc sử dụng thực phẩm chức năng giả sẽ khiến họ gặp tình trạng tiền mất tật mang, khi đó vừa mất số tiền mua phải hàng giả, vừa không có được lợi ích như kỳ vọng, lại còn có thể gánh chịu thêm các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe do sản phẩm hàng giả gây ra.

4.3. Đồ gia dụng

Các sản phẩm đồ da dụng cũng là mục tiêu của các đối tượng làm hàng giả, ở mảng này các đối tượng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có thương hiệu để làm giả sản phẩm sao cho giống thật nhất. Điều này gây ra nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng, đặc biệt các mặt hàng như bếp gas.

Bếp gas giả một món đồ gia dụng
Mặt hàng gia dụng

Trong những năm qua nhiều doanh nghiệp đã cố gắng sử dụng đa dạng các giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng giả gây ảnh hưởng đến sản phẩm của thương hiệu, nổi bật trong số đó vẫn là sử dụng tem chống hàng giả dành cho các thiệt bị đồ gia dụng, từ đó giúp hạn chế đáng kể tình trạng hàng giả gây ra.

Còn ở dưới góc độ người dùng, cần sử dụng các dấu hiệu nhận biệt hàng chính hãng theo công bố của nhà sản xuất như tem chống giả, sau đó làm theo hướng dẫn để xác thực, qua đó giúp bảo vệ bản thân và gia đình trước các vấn nạn hàng giả gây hỗn loạn hiện nay.

4.4. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả cũng là một vấn đề gây nhiều nhức nhối, chúng làm cho đất không đạt yêu cầu tiêu chuẩn về dinh dưỡng, trực tiếp gây hại cho đất, gây ảnh hưởng đến môi trường trồng trọt, từ đó làm giảm năng suất cây trồng của người nông dân.

Phân bón thuốc bảo vệ thực vật giả
Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón

Để có thể sản xuất nông nghiệp bền vững, mỗi người nông dân cần chú ý đến sản phẩm phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật mà mình dự định mua, kiểm tra đối chiếu hoặc nhờ sự trợ giúp từ những người có hiểu biết, cảm thấy nghi ngờ nếu sản phẩm có mức giá rẻ hơn so với thị trường.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cần sử dụng các phương pháp chống hàng giả như sử dụng tem chống giả để làm dấu hiệu phân biệt nhằm giúp người dân dễ dàng kiểm tra xác thực hàng thật giả, bên cạnh đó cần tổ chức tuyên truyền nhận biết sản phẩm thật giả đến với người nông dân.

4.5. Hàng tiêu dùng nhanh

Các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thường là đối tượng của vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Đây là các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng cá nhân trong gia đình.

Bánh kẹo giả
Mặt hàng tiêu dùng nhanh cũng thường được các đối tượng xấu sử dụng

Về phía góc độ doanh nghiệp, việc có sự xuất hiện của các mặt hàng tiêu dùng nhanh bị làm giả thương hiệu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín trong mắt người tiêu dùng, làm giảm doanh thu và có thể ảnh hưởng tới các vấn đề pháp lý. Giải pháp mà các doanh nghiệp nên áp dụng là chú trọng vào việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho bao bì nhãn hiện của mình để tránh các vấn đề pháp lý về sau.

4.6. Máy móc thiết bị điện tử

Máy móc và các thiết bị điện tử cũng là ngành nghề mà các đối tượng xấu tham gia vào để sản xuất sản phẩm giả mạo, tuy nhiên các sản phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, ví dụ như việc sử dụng máy tính Casio giả có thể khiến cho việc tính toán bị sai lệch.

Máy tính casio giả
Máy móc thiết bị điện tử giả

Thêm nữa nếu sử dụng các thiết bị điện tử giả có thể gây hại đến sức khỏe và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn ảnh hưởng đến tính nạng.

Xem thêm: Tem chống hàng giả máy tính Casio

4.7. Phụ tùng xe

Phụ tùng xe qua các năm luôn có sự tồn tại của các vấn đề hàng giả, từ phụ tùng danh cho xe ô tô đến xe máy và thậm chí là cả xe đạp. Như vào ngày 23/08/2024, Vina CHG đã phối hợp cùng Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tiến hành tiêu hủy 11.200 chiếc bugi giả mạo nhãn hiệu NGK.

4.8. Dược phẩm

Thuốc giả, dược phẩm giả qua các năm vẫn luôn là nỗi lo lắng dành cho sức khỏe cộng đồng, vấn nạn thuốc giả làm ảnh hưởng đến niềm tin vào hệ thống y tế, cũng như các đơn vị sản xuất dược phẩm chân chính có sản phẩm bị giả mạo.

Dược phẩm giả
Dược phẩm giả

Từ phía góc độ người dùng, cần nâng cao nhận thức về những tác động liên quan đến sức khỏe mà các sản phẩm dược phẩm giả gây ra, từ đó cần trang bị những kiến thức về cách phân biệt sản phẩm thật giả, bên cạnh người dùng cũng nên đến các cửa hàng uy tín để mua sản phẩm đúng chất lượng.

4.9. Dụng cụ thể thao

Các sản phẩm dụng cụ thể thao cũng được nhiều đối tượng sản xuất hàng giả nhắm đến, chủ yếu tập trung ở các sản phẩm có thương hiệu và được người dùng quan tâm, nhằm đánh vào yếu tố muốn mua hàng giá rẻ từ phía người tiêu dùng.

Dụng cụ thể thao giả
Ngành hàng dụng cụ thể thao

Ví dụ: Các loại vợt Pickleball giả, vợt cầu lông giả

Việc sử dụng các loại dụng cụ thể thao giả ngoài tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến sức khỏe, còn làm giảm sự hài lòng trong việc trải nghiệm bộ môn yêu thích.

Xem thêm: Cách phân biệt vợt cầu lông Yonex thật giả nhanh chóng

4.10. Trang phục, phụ kiện

Thời trang giả luôn là một vấn đề gây nhiều nhức nhối đối với những thương hiệu thời trang. Một phần vì để mua được cùng một loại sản phẩm thì bạn cần chi rất nhiều tiền, trong khi đó kiểu dáng của sản phẩm giả ngày càng đẹp mắt không thua gì các sản phẩm chính hãng nhưng lại có mức giá thấp hơn nhiều.

4.11. Sách

Sách giả ngày nay được bày bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa đọc sách cũng như tác giả sáng tác nên cuốn sách đó.

Sách giả
Các đối tượng làm sách giả thường xuyên bán chúng ở trên các nền tảng mạng xã hội

Ngoài gây ảnh hưởng đến tác giả, sách giả còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến thị giác của người mua và đọc, lý do là vì để giảm giá thành các đối tượng sản xuất sách giả đã sử dụng loại giấy kém chất lượng để in sách.

4.12. Đồ chơi, đồ dùng trẻ em

Đồ chơi trẻ em cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng làm hàng giả tham gia vào, xét từ phía góc độ người tiêu dùng thì đồ chơi cũng như các món thời trang, khi để có thể mua cùng một bộ đồ chơi chính hãng cho con cái, các bậc cha mẹ phải chi ra một số tiền lớn nếu muốn mua đúng sản phẩm chính hãng, trong khi các sản phẩm giả mạo sẽ có mức giá rẻ hơn nhiều lần.

Đồ chơi đồ dùng trẻ em giả
Các mặt hàng đồ chơi và đồ dùng trẻ em giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ

Tuy nhiên, việc cho trẻ chơi các món đồ chơi giả có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, lý do là vì vật liệu dùng để sản xuất các sản phẩm đồ chơi giả mạo thường không rõ ràng và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại.

5. Cách nhận biết để tránh mua phải hàng giả

Kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm
Kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua để tránh mua phải hàng giả

Để có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước vấn nạn hàng giả, ngoài sự phối hợp xử lý của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân cũng nên nâng cao ý thức về cách tự nhận biết hàng giả, một số tiêu chí bạn có thể áp dụng để kiểm tra như sau:

Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ

  • Xem kỹ các thông tin liên quan đến nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất
  • Kiểm tra mã vạch, tem chống hàng giả
  • Nên mua tại các cửa hàng uy tín hoặc các đại lý ủy quyền

Tự đánh giá chất lượng sản phẩm

  • Quan sát Logo, nhãn mác xem có rõ ràng, sắc nét chưa
  • Không có các lỗi về chữ in, Font chữ
  • Chất liệu, đường may hoặc các họa tiết cần có sự tinh xảo, đồng đều

So sánh giá cả

  • Mức giá quá rẻ so với thị trường là điều đáng nghi ngờ
  • Tham khảo giá ở nhiều bên để có tiêu chuẩn so sánh
  • Hãy cẩn thận với các chương trình giảm giá quá sâu

Kiểm tra bao bì đóng gói

  • Bao bì cần phải nguyên vẹn, không bị rách nát
  • Font chữ, màu sắc in ấn phải đạt chuẩn
  • Có đầy đủ thông tin về sản phẩm

Lưu ý khi mua hàng online

  • Chỉ mua từ các shop uy tín, có đánh giá tốt
  • Mua ở những nơi có hình ảnh thật về sản phẩm
  • Xem thêm những mô tả và đánh giá (Feedback) từ người dùng khác
  • Kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi nhận hàng
  • So sánh sản phẩm với hình ảnh được quảng cáo
  • Yêu cầu hóa đơn, phiếu bảo hành chính hãng

Tóm lại, trước khi mua sản phẩm cần tìm hiểu kỹ, đừng ham rẻ mà bỏ qua yếu tố chất lượng và hãy ưu tiên mua ở những cửa hàng uy tín cho dù có mức giá cao hơn.

6. Giải pháp nhằm hạn chế hàng giả

Tem chống hàng giả tQR Code kết hợp SMS
Sử dụng tem chống hàng giả là một trong những giải pháp thiết thực cần làm từ phía doanh nghiệp

Để đối phó với vấn nạn hàng giả, cần có sự chung tay góp sức từ phía người dùng đến các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, cần sử dụng các phương thức nhận biết hàng giả và hãy nói không với nó để hạn chế tình trạng hàng giả đang gia tăng.

Đối với cơ quan quản lý, cần tích cực xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng như tuyên truyền đến người dân về vấn nạn hàng giả, để giữ gìn môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, đây là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi vấn nạn hàng giả, vì vậy có một số giải pháp mà các doanh nghiệp có thể áp dụng như sau:

  • Đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu hàng hóa: Việc làm này nhằm giúp nhãn hiệu tránh bị ăn cắp bởi các đối tượng xấu, bên cạnh đó việc này còn giúp tăng sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.
  • Ứng dụng các giải pháp chống giả: Sử dụng tem chống hàng giả là một trong những giải pháp quan trọng đã được nhiều doanh nghiệp ứng dụng trong thời gian gần đây, tem chống giả giúp người dùng dễ dàng kiểm tra xác thực hàng thật giả một cách nhanh chóng.
  • Phối hợp tuyên truyền: Không chỉ các cơ quan nhà nước, mỗi doanh nghiệp cũng nên có các chiến dịch tuyên truyền nhận biết đến khách hàng của mình để chung tay chống giả,

Trên đây là những thông tin về Hàng giả là gì Vina CHG vừa chia sẻ đến bạn. Hy vọng, với những thông tin trên có thể giúp trả lời những thắc mắc mà bạn đang gặp phải, chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe. Nếu có thắc mắc cần giải đáp thì hãy liên hệ với chúng tôi qua số Hotline để được tư vấn!

Thông tin liên hệ:

  • Công Ty Cổ Phần Phát Triển Khoa Học Công Nghệ Vi Na (Vina CHG)
  • Địa chỉ: 524/3 Hà Huy Giáp, Phường Thạnh Lộc, Quận 12, TP. HCM.
  • Hotline/Zalo: 091 994 8389
  • Email: lienhe@vinachg.vn
5/5 - (1 bình chọn)