Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hơn 24.000 vụ vi phạm; phạt hành chính hơn 144,5 tỷ đồng. Các trường hợp gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử đang có chiều hướng gia tăng.
Các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng biết là hàng giả, không rõ xuất xứ nhưng vẫn mua hoặc không tố giác. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, TGĐ Vina CHG chia sẻ, hiện vấn nạn hàng giả, hàng nhái có xu hướng phức tạp hơn do môi trường online, xuyên biên giới. Ông Hồng cho rằng việc tăng cường chống hàng giả cho các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.
Theo ông Hồng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chống hàng giả, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng.
“Để bảo vệ quyền lợi của mình, các doanh nghiệp nên sớm đăng ký, xác lập quyền SHTT của thương hiệu doanh nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc là đối với kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ dưới góc độ của Luật sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu; bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế và xác lập quyền tác giả; đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó”, ông Hồng cho biết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả của mình. “Việc sử dụng các công cụ, phần mềm quản trị doanh nghiệp tích hợp trên tem chống hàng giả sẽ giúp doanh nghiệp có thêm giải pháp bảo vệ thương hiệu của mình hiệu quả, chống lại các thủ đoạn giả mạo thương hiệu tinh vi của các đối tượng làm giả, nhái, đặc biệt là trên môi trường online như mạng xã hội và thương mại điện tử”, TGĐ Vina CHG chia sẻ.
Dự báo những tháng cuối năm, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại càng diễn biến phức tạp hơn. Để ngăn chặn tình trạng này, không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà còn cần sự nhận diện và tham gia tố giác của người dân, sự chủ động bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp.
Bài viết liên quan: