Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là yêu cầu từ các thị trường quốc tế mà còn là đòi hỏi cấp thiết trong nước để nâng cao chất lượng tăng trưởng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tại hội thảo tập huấn “Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực triển khai Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm” tổ chức ngày 11/6 tại TP.HCM, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng trao đổi về những trở ngại thực tiễn và đề xuất giải pháp thúc đẩy mô hình này tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Hồng – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG – cho rằng áp lực từ các thị trường xuất khẩu đang buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển mình. Nhiều mặt hàng, đặc biệt là nông sản, đã bị trả về do không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của nước nhập khẩu. Do đó, những doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu buộc phải đầu tư vào hệ thống quản trị chất lượng, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm để giữ uy tín và thị phần. “Họ làm việc rất siêng năng, chủ động tìm hiểu tiêu chuẩn quốc tế và chấp nhận đầu tư để khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường toàn cầu,” ông Hồng chia sẻ.
Đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên ít có động lực để đầu tư vào mô hình RBP (Responsible Business Practices). Việc xây dựng hệ thống quản trị, hạ tầng công nghệ, quy trình kiểm soát chất lượng… là thách thức lớn khi nguồn lực còn hạn chế. “Một số doanh nghiệp nội địa đã chủ động hướng tới người tiêu dùng, xây dựng chuỗi giá trị bền vững và thương hiệu dựa trên nền tảng minh bạch – có trách nhiệm, nhưng con số này còn khá ít”, ông nói.
Theo ông Hồng, để thúc đẩy mô hình kinh doanh có trách nhiệm lan rộng, ngoài sự nỗ lực nội tại, doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ môi trường chính sách thông thoáng, khuyến khích đổi mới, tạo điều kiện phát triển bền vững và cạnh tranh công bằng. Đồng thời, cần có những công cụ giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các hành vi thiếu trung thực trong kinh doanh.
Đặc biệt, liên quan đến một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng hàng giả, hàng nhái và hành vi cung cấp thông tin gian dối đối với người tiêu dùng. Đây là biểu hiện rõ nét nhất của việc thiếu trách nhiệm trong kinh doanh, làm xói mòn niềm tin thị trường và cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính. “Chống giả không chỉ để bảo vệ thương hiệu mà còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Hồng nhận định.
Theo đó, trong khuôn khổ thực hành kinh doanh có trách nhiệm, các doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng các giải pháp chống hàng giả như: tem chống hàng giả công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, công nghệ số hóa trong kiểm định sản phẩm, tích hợp hệ thống phần mềm để quản lý chuỗi bán hàng giúp kiểm tra và truy xuất thông tin sản phẩm, đảm bảo hàng hóa lưu thông được kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ trà trộn hàng giả vào hàng thật. Những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch, mà còn là minh chứng cho cam kết rõ ràng về trách nhiệm đối với xã hội, thị trường và người tiêu dùng. “Doanh nghiệp phải minh bạch trong từng sản phẩm, không chỉ để đối phó với rủi ro, mà để tạo dựng một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh và bền vững”,ông Nguyễn Viết Hồng khẳng định.
Chia sẻ kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm không phải là gánh nặng, mà là cơ hội phát triển bền vững cho các doanh nghiệp. Đầu tư cho RBP chính là đầu tư cho các doanh nghiệp để hội nhập nền kinh tế toàn cầu”.
Bài viết liên quan: